Tìm kiếm đối tác Nhật Bản, M&A, đầu tư sang Nhật?
Hãy liên hệ với chúng tôi, trao đổi hoàn toàn
Miễn Phí!
☎ 024 7306 0779
✉ ma@onevalue.jp
Những năm gần đây, thị trường M&A (Mergers and Acquisitions – Sáp nhập và Mua bán) tại Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế và trong nước. Trong giai đoạn 2021 – 2023, Việt Nam ghi nhận rất nhiều thương vụ M&A, đáng chủ ý nhất là các thương vụ dưới đây.
Mục lục
- Ngân hàng UOB mua lại toàn bộ mảng ngân hàng bán lẻ của Citigroup
- Warburg Pincus đầu tư 250 triệu USD vào Novaland
- Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản) mua 15% cổ phần VPBank
- Công ty TNHH The Sherpa (thuộc Masan Group) mua lại 85% Phúc Long
- De Heus Group (Hà Lan) mua lại toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan
- SK Group (Hàn Quốc) mua 16.26% cổ phần cổ phần của Masan tại VinCommerce
- Thaco mua lại siêu thị E-Mart của Hàn Quốc tại Việt Nam
- SCG (Thái Lan) mua lại cổ phần Công ty Nhựa Duy Tân (Việt Nam)
- EDPR Sunseap (Singapore) mua lại toàn bộ các dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện
- Tập đoàn Swire Beverage Holdings mua lại các nhà máy đóng chai Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia
Ngân hàng UOB mua lại toàn bộ mảng ngân hàng bán lẻ của Citigroup
- Giá trị: 3.65 tỷ USD (tỷ lệ 100%)
- Ngành: Ngân hàng
- Năm thực hiện: 2022
Citibank và UOB công bố thương vụ lần đầu vào tháng 1/2022 với thỏa thuận chuyển nhượng mảng kinh doanh ngân hàng bán lẻ tại cả bốn thị trường Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia.
Đến cuối tháng 3 năm 2023, UOB đã hoàn tất việc thu mua mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại các thị trường Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, nâng số lượng khách hàng trong khu vực Đông Nam Á lên 7 triệu người. Con số này được dự báo sẽ chạm mốc 8 triệu khách hàng sau khi UOB tiếp tục hoàn tất thỏa thuận chuyển nhượng tại Indonesia của Citigroup vào cuối năm nay.
Thương vụ này có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của UOB, khi ngân hàng này báo cáo lợi nhuận thuần trong quý 1.2023 đạt 1,5 tỉ đô la Singapore (1,1 tỉ USD), tăng trưởng 67% so với cùng kỳ năm 2022. Đối với lợi nhuận trước thuế và lãi từ việc nhượng quyền ngân hàng tiêu dùng tăng gấp đôi lên 795 tỉ đô la Singapore (596 tỉ USD), phần lớn từ các thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Warburg Pincus đầu tư 250 triệu USD vào Novaland
- Giá trị: 250 triệu USD
- Ngành: Bất động sản
- Năm thực hiện: 2022
Ngày 1/6/2022, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), thành viên của hệ sinh thái NovaGroup và là một trong những công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vừa nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. .
Thông qua sự hợp tác này, vị thế vững chắc hiện nay của Novaland trong lĩnh vực bất động sản – thể hiện qua năng lực triển khai dự án đồng bộ, kết quả kinh doanh vượt trội, cùng quỹ đất lớn – sẽ được củng cố hơn nữa nhờ kinh nghiệm và chuyên môn trên thị trường bất động sản toàn cầu của Warburg Pincus.
Đây cũng là những tín hiệu tích cực cho thấy sự tin tưởng của các tổ chức tài chính quốc tế vào Novaland cùng với việc tập trung đầu tư và phát triển bất động sản Đô thị và bất động sản Đô thị du lịch tại phân khúc trung – cao cấp. Khoản huy động 250 triệu USD sẽ được phân bổ cho việc gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án hiện hữu của Novaland tại các vị trí chiến lược, tận dụng cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện ở miền Nam.
Ngoài ra, theo thông tin cho biết, giao dịch này đánh dấu khoản đầu tư thứ sáu vào Việt Nam của Warburg Pincus. Từ năm 2013, Warburg Pincus đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vốn cổ phần vào một số doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, bao gồm Vincom Retail, BW Industrial Development, Lodgis Hospitality, Techcombank… Warburg Pincus tin tưởng mạnh mẽ vào quỹ đạo tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam và tiếp tục tích cực theo đuổi các cơ hội mới để đầu tư vào các nền tảng hàng đầu tại Việt Nam.
Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản) mua 15% cổ phần VPBank
- Giá trị: khoảng 1.35 tỷ USD (tỷ lệ 15%)
- Ngành: Ngân hàng
- Năm thực hiện: 2023
Ngày 27/3/2023, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo, đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – đơn vị thành viên thuộc Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) của Nhật Bản. Thỏa thuận này chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.
Trước đó, vào tháng 5/2022, hai bên đã ký kết với nhau Thỏa thuận Hợp tác kinh doanh. Cuối năm 2021, Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC – công ty con của SMFG – cũng đã mua 49% cổ phần FE Credit – công ty con của VPBank. SMBC cũng giúp VPBank thu xếp nhiều khoản huy động vốn thành công từ thị trường quốc tế.
Đây là thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam từ trước tới nay. Khoản đầu tư từ SMBC dự kiến giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trong ngành ngân hàng, sau Vietcombank.
Với khoản đầu tư chiến lược của SMBC lần này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Nền tảng vốn lớn cũng cho phép VPBank có đủ năng lực tài chính để phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô rất lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Công ty TNHH The Sherpa (thuộc Masan Group) mua lại 85% Phúc Long
- Giá trị: 280 triệu USD
- Ngành: Hàng tiêu dùng
- Năm thực hiện: 2022
Ngày 21/5/2022, Công ty TNHH The Sherpa, một công ty thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan công bố ký kết thỏa thuận mua lại 20% Công ty cổ phần Phúc Long Heritage – công ty sẽ sở hữu thương hiệu Phúc Long – một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam. Sau đó, Masan tiếp tục rót vốn hai lần để tăng tỷ lệ sở hữu lên lần lượt 51% và 85%; chuỗi đồ uống Phúc Long chính thức về tay Masan với định giá hơn 450 triệu USD – được công bố vào tháng 8/2022.
Theo ông Danny Le, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Masan, muốn phục vụ trực tiếp người tiêu dùng thì cần tiếp cận đến lĩnh vực bán lẻ thương mại, tuy nhiên để xây dựng từ đầu có thể mất 5-7 năm mà chưa chắc đã thành công. Do đó, chiến lược tốt nhất là M&A, đầu tư với quy mô lớn để cạnh tranh với các chuỗi nước ngoài. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ lý do thâu tóm chuỗi Phúc Long. “Trong Masan, chúng tôi thường nhìn vào những thương hiệu mạnh trên thị trường. Đó là lý do vì sao Masan đầu tư vào Phúc Long, một thương hiệu nội địa khá mạnh. Chúng tôi nghĩ rằng với Phúc Long, ta có thể mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới.”
Lãnh đạo Masan kỳ vọng Phúc Long có thể đóng góp vào tăng trưởng doanh thu bằng cách cross-sell (bán chéo), upsell (bán thêm sản phẩm) thông qua các giải pháp tiện lợi và tích hợp nền tảng chăm sóc khách hàng thân thiết.
Sau thương vụ, doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đầy triển vọng. 9 tháng đầu năm 2022, chuỗi Phúc Long đã đóng góp 1.143 tỷ đồng doanh thu vào tổng doanh thu toàn tập đoàn. Trong đó, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của Phúc Long đạt 199 tỷ đồng.
De Heus Group (Hà Lan) mua lại toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan
- Giá trị: 600 -700 triệu USD (tỷ lệ 100%)
- Ngành: Thức ăn chăn nuôi
- Năm thực hiện: 2021
Theo sau Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa De Heus Việt Nam và Masan vào ngày 14/09/2021, De Heus Việt Nam chính thức mua lại 100% mảng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi MNS Feed vào tháng 12 năm 2021. Công ty TNHH MNS Feed hiện đang sở hữu 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy premix, trong đó 6 nhà máy thuộc Proconco, 7 nhà máy thuộc Anco với tổng công suất lên tới gần 4 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.
Sau khi hoàn tất thương vụ mua bán này, De Heus sẽ có tổng cộng 22 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, chính thức trở thành nhà cung cấp dinh dưỡng động vật số 1 trong thị trường thức ăn chăn nuôi độc lập với quy mô hoạt động rộng khắp toàn quốc.Ngoài ra, De Heus và Masan còn đồng ý tiến tới những giao dịch cung ứng chiến lược dài hạn trong thỏa thuận chung giữa hai bên, trong đó De Heus sẽ cung cấp thức ăn chăn nuôi và heo thịt cho Masan.
Sự kết hợp giữa De Heus – tập đoàn toàn cầu với kinh nghiệm tích lũy trong hơn 100 năm về dinh dưỡng động vật cùng hơn một thập kỷ hoạt động và phát triển tại Việt Nam và Masan – một trong những công ty tiên phong, có lịch sử hoạt động lâu năm tại thị trường trong nước, và là tập đoàn tiêu dùng, bán lẻ hàng đầu Việt Nam; được xem là một sự kết hợp đầy triển vọng, có thể đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa chuỗi giá trị đạm động vật.
SK Group (Hàn Quốc) mua 16.26% cổ phần cổ phần của Masan tại VinCommerce
- Giá trị: 410 triệu USD (tỷ lệ 16.26%)
- Ngành: Bán lẻ
- Năm thực hiện: 2021
Ngày 6/4/2021, SK Group, một tập đoàn tư nhân đa ngành lớn thứ ba ở Hàn Quốc đã quyết định chi 410 triệu USD mua cổ phần của Masan Group tại VinCommerce (từng là đơn vị thành viên Vingroup, sở hữu hệ thống Vinmart, Vinmart+). Giao dịch định giá VinCommerce ở mức 2,5 tỷ USD.
Thỏa thuận đầu tư của SK đã khẳng định năng lực cải thiện vận hành và lợi nhuận VinCommerce của Masan theo hướng tối ưu hóa mạng lưới cửa hàng và danh mục sản phẩm, cải thiện lợi nhuận liên tục thông qua các sáng kiến quản lý biên lợi nhuận thương mại chặt chẽ và tiết kiệm chi phí.
Việc SK mua cổ phần của VinCommerce là một phần chiến lược của đại gia Hàn Quốc tấn công vào những lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh của Việt Nam đồng thời đưa VinCommerce thành nhà bán lẻ tích hợp O2O lớn nhất quốc gia Đông Nam Á này. Cả hai tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng bùng nổ của lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm hiện đại tại Việt Nam. Kênh thương mại hiện đại (MT) dự kiến sẽ chiếm 50% toàn ngành bán lẻ thay vì chỉ ở mức 8% như hiện nay, đưa Việt Nam trở thành thị trường MT phát triển nhanh nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong thập kỷ tới.
Thaco mua lại siêu thị E-Mart của Hàn Quốc tại Việt Nam
- Giá trị: N/A (với tỷ lệ 100%)
- Ngành: Bán lẻ
- Năm thực hiện: 2021
Ngày 25/5/2021, Emart Hàn Quốc và THACO đã ký kết thỏa thuận để chuyển nhượng 100% vốn và nhượng quyền độc quyền để doanh nghiệp này tiếp quản hoạt động kinh doanh Emart tại thị trường Việt Nam. Cuối năm 2021, THISO – Tổng Công ty thành viên thuộc Tập đoàn THACO, chính thức hoàn tất ký kết thỏa thuận chuyển nhượng vốn và nhượng quyền độc quyền hoạt động kinh doanh với Emart Inc. (Hàn Quốc).
Theo đại diện Thaco, trong khuôn khổ hợp tác, THACO sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam. Emart Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc với giá cả cạnh tranh.
Đại siêu thị Emart mà Thaco hướng đến sẽ tích hợp showroom, đi kèm với đó là khu ẩm thực, trung tâm hội nghị, tiệc cưới. Ngoài ra, Emart Việt Nam cũng chú trọng và đầu tư mạnh mẽ cho Ứng dụng mua sắm trực tuyến và Hệ thống lấy hàng tự động đầu tiên tại Việt Nam
SCG (Thái Lan) mua lại cổ phần Công ty Nhựa Duy Tân (Việt Nam)
- Giá trị: 300 triệu USD (tỷ lệ 70%)
- Ngành: Hàng tiêu dùng
- Năm thực hiện: 2021
Trong văn bản gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) ngày 9/2/2021, SCG Packaging (SCGP) thông báo việc ký thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân. Công ty con SCG Packaging (SCGP) sẽ là pháp nhân nhận chuyển nhượng cổ phần. Như vậy, Nhựa Duy Tân trở thành công ty con của SCG.
Về Bên Mua, tập đoàn SCG bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992 với hơn 20 công ty con tại Việt Nam hoạt động trên 3 lĩnh vực gồm hóa dầu, bao bì và xi măng – vật liệu xây dựng. Trong khi đó, Duy Tân – Bên Bán là một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng, với khách hàng chính là các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp FMCG nội địa.
Theo bản công bố thông tin của SCGP, thương vụ này đã mở rộng hoạt động kinh doanh bao bì nhựa cứng của SCGP trên toàn ASEAN, đồng thời củng cố năng lực của công ty trong việc phục vụ các nhà sản xuất FMCG và người tiêu dùng tại Việt Nam.
EDPR Sunseap (Singapore) mua lại toàn bộ các dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện
- Giá trị: 284 triệu USD (tỷ lệ 100%)
- Ngành: Năng lượng
- Năm thực hiện: 2022
Ngày 29/6/2022, EDP Renewables (EDPR) – Tập đoàn sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Xuân Thiện để mua lại hai dự án điện mặt trời ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, có tổng công suất 200 MWac (255 MWdc).
Tổng quan về 2 bên, EDPR Sunseap – Bên Mua là nhà phát triển, chủ sở hữu và là nhà vận hành hệ thống điện mặt trời đóng tại Singapore và khai thác các dự án năng lượng mặt trời trên khắp châu Á với danh mục dự án lên tới gần 10 GWac. Trong khi đó, Tập đoàn Xuân Thiện – Bên Bán là công ty có vị trí đáng chú ý trong ngành năng lượng tại Việt Nam với khả năng thực hiện toàn bộ quy trình phát triển dự án từ khâu nghiên cứu, thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì.
Hai dự án năng lượng mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện đi vào hoạt động thương mại từ tháng 4/2020 và có Hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN trong thời gian 20 năm, với giá 93,5 USD/MWh. Hai dự án tiềm năng trên đã thành công thu hút rất nhiều nhà đầu tư, và cuối cùng chính thức được Tập đoàn EDPR mua lại với trị giá 284 triệu USD
Giao dịch này sẽ tăng gấp đôi công suất đang vận hành của EDPR tại Việt Nam và tăng cường sự hiện diện của tập đoàn trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương, thị trường mà EDPR đã bước vào năm 2021.
Tập đoàn Swire Beverage Holdings mua lại các nhà máy đóng chai Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia
- Giá trị: khoảng 1.015 tỷ USD
- Ngành: Đồ uống
- Năm thực hiện: 2022
Tập đoàn Hồng Kông Swire Pacific, nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực kinh doanh đồ uống của Swire tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đã mua lại mảng kinh doanh đóng chai của Coca-Cola tại Việt Nam và Campuchia.
Swire Pacific đã trả 1,015 tỷ USD tiền mặt cho Coca-Cola Indochina. Theo hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán Hồng Kông vào ngày 18/7/2022, công ty chuẩn bị, đóng gói, phân phối và bán đồ uống của Coca-Cola ở cả hai quốc gia. Thỏa thuận này phải được phê duyệt chống độc quyền và sẽ có hiệu lực trong vòng sáu tháng kể từ khi ký thỏa thuận.
Chiều 2/1/2023, thương vụ đã chính thức hoàn tất. Swire Coca-Cola sở hữu và vận hành 3 cơ sở sản xuất nước giải khát, 18 dây chuyền sản xuất, 6 trung tâm phân phối khắp Việt Nam và sử dụng lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp hơn 3.500 người.
Việc hoàn tất chuyển nhượng phản ánh việc Swire Coca-Cola tiếp tục theo đuổi tầm nhìn chiến lược trong việc mở rộng dấu ấn của mình tại Đông Nam Á, một khu vực năng động và sôi nổi với tiềm năng tăng trưởng to lớn,
Những thương vụ M&A trên chỉ là số ít nhưng là minh chứng sống cho sự phát triển sôi động của thị trường M&A tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Vì vậy, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có thể tin tưởng vào những cơ hội đầu tư M&A trong khoảng thời gian sắp tới; bất chấp những khó khan kéo dài của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.