kinh-te-vietnam1-8393

Bức tranh nền kinh tế Việt Nam Quý 1/2023 

Nội dung bài viết

Kinh tế Việt Nam trong Quý 1/2023 có sự tăng trưởng khá chậm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023 (Theo công bố của Tổng cục thống kê). 

 

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức gần thấp nhất trong 10 năm trở lại đây 

Mức tăng trưởng 3,32% là mức giảm sâu gần nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023 (chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52% – đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung, khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% – đóng góp 4,76% vào mức tăng trưởng chung.  

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng GPD quý I so với cùng kỳ năm trước qua các năm, giai đoạn 2011 – 2023  

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong Q1/2023 đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%, nhập khẩu giảm 14,7%.  

Nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát tại các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt làm giảm nhu cầu tiêu dùng, do đó, thị trường Việt Nam bị ảnh hưởng lớn ở lượng đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm, ngành công nghiệp bị thu hẹp, … Một số ngành công nghiệp chính thể hiện rõ sự suy giảm như: điện tử, máy móc, dệt may, giày dép và việc kinh doanh các sản phẩm phụ trợ liên quan đến những ngành này cũng bị suy giảm. Riêng ngành Dệt may và Da giày vốn là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, lượng đơn hàng sụt giảm tới 90% trong Q1/2023. 

Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục là lĩnh vực đóng góp chính vào tăng trưởng trong Q1/2023, điều này thể hiện rõ sự hồi phục của ngành nhờ hiệu quả của chính sách mở cửa lại nền kinh tế từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID được kiểm soát, nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới khiến một lượng lớn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. 

Lạm phát đang trên đà giảm 

CPI bình quân quý 1/2023 vẫn tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cũng tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Lạm phát tiếp tục được thúc đẩy bởi giá lương thực, thực phẩm, nhà ở, vật liệu xây dựng, … Tuy nhiên xét riêng trong Q1/2023, cả lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng CPI đều giảm trong tháng 2 và tháng 3 năm 2023, trong khi lạm phát toàn cầu đã suy giảm nhưng vẫn neo đậu ở mức rất cao. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3/2023 giảm nhẹ (0,23%) so với tháng 2/2023 và tiếp tục giảm còn 2,8% trong tháng 4/2023. Điều này chứng tỏ nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam có sự ổn định hơn và lạm phát vẫn có xu hướng giảm, dự kiến sẽ đạt ở mức 4,5% trong năm 2023.  

 

Hình 2: Tỷ lệ lạm phát cơ bản giai đoạn 2022 – Q1/2023 

Tình hình đầu tư FDI và giải ngân vốn FDI chậm 

Tình hình suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu và những bất ổn tiềm tàng từ thị trường gây nên tâm lý lo ngại và thận trọng từ phía các nhà đầu tư, việc giải ngân bắt đầu chậm lại. Tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam Q1/2023 chỉ đạt 5,45 tỉ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ năm trước (Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT). Trong Q1/2023, có 522 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỉ USD, tăng 62,1% về số lượng dự án và giảm 5,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2022. Trong số 47 quốc gia được cấp phép đầu tư mới tại Việt Nam, Singapore vẫn đứng đầu danh sách đối tác đầu tư FDI vào Việt Nam với số vốn 1,43 tỷ USD. 

 

Hình 3: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giai đoạn 2019-2023 (Tỷ USD) 

Không chỉ vốn đăng ký giảm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm 2,2% so với cùng kỳ, đạt 4,3 tỷ USD. Tuy nhiên, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài. Điều này phản ánh sự bất định gia tăng liên quan đến triển vọng kinh tế toàn cầu và việc thắt chặt các điều kiện tài chính để kiểm soát lạm phát ở các nền kinh tế lớn, việc đầu tư các dự án có quy mô lớn cũng được xem xét một cách cẩn trọng hơn từ góc độ của các nhà đầu tư.  

Về môi trường đầu tư, các dự án đầu tư FDI mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc túc đầu tư…), như Đồng Nai, Bắc Ninh, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, … Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản vẫn là những ngành chính thu hút cam kết FDI, chiếm khoảng 80% tổng vốn FDI đăng ký trong Q1/2023, tương đương với tỷ trọng các ngành thu hút FDI trong ba năm qua (Theo báo cáo WorldBank công bố vào T4/2023). 

Những điều chỉnh nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế Việt Nam  

Lĩnh vực công nghiệp và bất động sản tại Việt Nam sử dụng đòn bẩy quá cao đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc thắt chặt các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng từ giai đoạn cuối năm 2022, khiến tình hình kinh tế trở nên ảm đạm. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong Quý 1/2023 đã cắt giảm lãi suất để tăng thanh khoản, nhằm tháo gỡ khó khăn, hạn chế thiệt hại, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng. Đây là động thái khác hoàn toàn với việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) trên thị trường tài chính quốc tế, trong bối cảnh bất ổn tài chính toàn cầu và kinh tế thế giới đang phục hồi chậm.  

Hình 3: Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam giai đoạn 2020-2023 (%) 

Tới giữa T3/2023, dù các điều kiện tài chính Việt Nam được nới lỏng hơn nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn giảm xuống mức 9,5% trong Q1/2023 so với cùng kỳ năm trước, và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất kể từ năm 2020. Việc tín dụng chững lại và suy giảm bất chấp việc cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 3 và thanh khoản thị trường dồi dào đã phản ánh nhu cầu thị trường thấp và khả năng hấp thụ yếu của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này. 

Ngoài ra, chính sách tài chính, tiền tệ thắt của các nước đang đe dọa đến an ninh tài chính toàn cầu và cũng chính là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Trong giai đoạn những yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu khả quan, việc giải ngân vốn đầu tư công và giám sát chặt chẽ các điều kiện tín dụng ở thị trường tài chính có thể để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam ổn định trong dài hạn. 

Các bài viết liên quan