ma

M&A và xu hướng thích M&A – góc nhìn từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản 

Nội dung bài viết

M&A (mergers and acquisitions) là quá trình mua bán, sáp nhập hoặc hợp nhất các công ty để tạo ra lợi ích chiến lược, tăng trưởng và giá trị cho các bên liên quan. Nó là một phương pháp để mở rộng quy mô, tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. 

 

1.1 M&A là gì? 

M&A là tên viết tắt của cụm từ Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). M&A là thuật ngữ chung đề cập đến hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hoặc mua lại giữa hai hay nhiều doanh nghiệp để sở hữu 1 phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Mục tiêu của M&A có thể là tăng thị phần nhằm mở rộng quy mô của doanh nghiệp, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm hoặc dịch vụ, giảm cạnh tranh hoặc tiếp cận thị trường mới 

 

1.2. Có những loại hình M&A nào trên thị trường? 

Việc sát nhập và mua lại được phân loại theo nhiều cách và nhiều hình thức khác nhau. Các giao dịch M&A có thể được chia theo loại cấu trúc M&A hoặc theo hình thức M&A. tùy thuộc vào mối quan hệ giữa hai công ty tiến hành sáp nhập: 

 

1.2.1. Phân loại theo hình thức hợp nhất 

Mua lại là hoạt động xảy ra khi một doanh nghiệp mua lại một phần hay toàn bộ cổ phần của một doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp mua vẫn giữ tư cách pháp nhân cũ và thương hiệu của doanh nghiệp bị mua lại có thể được giữ nguyên hay bị thay đổi tùy theo quyết định của doanh nghiệp mua. Trong hoạt động mua lại, một công ty có thể mua lại một công ty khác bằng tiền mặt, cổ phiếu hoặc cả hai loại này. Hình thức này đa phần diễn ra giữa doanh nghiệp  

Sáp nhập là hoạt động xảy ra khi các doanh nghiệp, thường là các doanh nghiệp trong cùng một ngành, đồng ý hợp nhất lại thành một doanh nghiệp mới với pháp nhân mới, có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh cao hơn. Kết quả của việc sáp nhập là cho ra đời một công ty mới với pháp nhân mới. Doanh nghiệp sáp nhập sẽ sở hữu toàn bộ tài sản, những lợi ích cũng như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập.  

 

1.2.2. Phân loại theo cấu trúc doanh nghiệp 

  • M&A theo chiều ngang (hay sáp nhập cùng ngành): là hình thức hợp nhất giữa hai công ty cạnh tranh trực tiếp và chia sẻ cùng dòng sản phẩm và thị trường 
  • M&A theo chiều dọc: Diễn ra đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng như giữa một công ty với khách hàng hoặc nhà cung cấp của công ty đó. 
  • M&A hỗn hợp: Diễn ra giữa hai công ty không có lĩnh vực kinh doanh chung hợp nhất, gồm: 
  1. Hình thức sáp nhập nhữa hai công ty bán cùng loại sản phẩm, dịch vụ tại các thị trường khác nhau 
  1. Hai công ty bán những sản phẩm khác nhau, nhưng có liên quan với nhau trong cùng một thị trường 
  1. Hai công ty không có cùng lĩnh vực kinh doanh, nhưng muốn đa dạng hóa hoạt động kinh doanh đa ngành đa nghề, đa lĩnh vực. 

Hình thức M&A hỗn hợp này sẽ giúp công ty đa dạng hóa sản phẩm và mang lại lợi nhuận cao hơn. Việc bán một trong những sản phẩm này cũng sẽ khuyến khích việc bán một sản phẩm khác, do đó sẽ tăng doanh thu cho công ty nếu họ tăng doanh số bán sản phẩm của mình 

10 lợi ích của hoạt động M&A đối với doanh nghiệp 

1-Mở rộng quy mô doanh nghiệp và thị phần: M&A cho phép doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động và chiếm lĩnh thị phần mới. Bằng cách sáp nhập hoặc mua lại các công ty nhỏ hơn, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô hoạt động. Quy mô doanh nghiệp tăng, phân phối hàng hóa được đẩy mạnh, doanh nghiệp có thể thương lượng tốt hơn với các nhà phân phối, từ đó cũng sẽ giúp doanh nghiệp có thị phần lớn hơn, hoặc tiếp cận tới thị trường mới. 

2-Mở rộng tệp khách hàng: M&A không phải chỉ đơn thuần làm gia tăng quy mô của doanh nghiệp, mà nó còn giúp doanh nghiệp có thể khai thác thêm và tiếp cận nhu cầu của một số tệp khách hàng lớn hơn. 

3-Tăng cường năng lực cạnh tranh: M&A cung cấp cơ hội để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bằng cách sáp nhập với một công ty có kiến thức, công nghệ hoặc vốn lớn như các Tập đoàn đầu ngành, doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trong ngành và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. 

4-Giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động: Việc kết hợp các hoạt động và tài sản của hai công ty thông qua M&A, doanh nghiệp có thể tái cơ cấu, tối ưu hóa quy trình, sàng lọc những vị trí nhân sự kém hiệu quả và nâng cao hiệu quả hoạt động.  

5-Tiếp cận tài chính và nguồn lực: Sau M&A, doanh nghiệp sẽ gia tăng nguồn vốn và khả năng tiếp cận nguồn vốn, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính, chính là những lợi ích tối quan trọng mà các doanh nghiệp nhận được từ các đối tác mua lại hoặc sáp nhập. Điều này có thể giúp doanh nghiệp đầu tư và thực hiện các dự án mới, hoặc giải quyết các vấn đề tài chính hiện có.  

6-Định vị và mở rộng thương hiệu: M&A có thể giúp doanh nghiệp xây dựng và định vị thương hiệu mạnh mẽ hơn trên thị trường. Bằng cách sáp nhập với một công ty có thương hiệu tốt hoặc mua lại các thương hiệu có tiếng, doanh nghiệp có thể tận dụng uy tín và danh tiếng đã có để mở rộng tầm ảnh hưởng và khách hàng. 

7-Thúc đẩy đổi mới và phát triển công nghệ: Thông qua việc M&A, doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ hay kỹ thuật của nhau để tạo lợi thế cạnh tranh. Bằng cách sáp nhập với các công ty có nền tảng công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp có thể tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển, đẩy mạnh đổi mới công nghệ và tạo ra giá trị gia tăng. 

8-Đa dạng hóa rủi ro: Việc M&A giữa các doanh nghiệp có những mảng sản phẩm, dịch vụ khác nhau sẽ làm đa dạng hóa rủi ro trong việc đầu tư, kinh doanh. Khi nhiều dòng doanh thu hơn, doanh nghiệp có thể phân tán rủi ro trên các dòng sản phẩm dịch vụ đó, thay vì chỉ tập trung vào một sản phẩm, dịch vụ nhất định 

9-Thực thi chiến lược phát triển nhanh hơn: M&A là một trong những cách tốt nhất để một công ty triển khai chiến lược kinh doanh dài hạn một cách nhanh chóng. Điều này đặc biệt đúng đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn thâm nhập thị trường Việt Nam với chiến lược dài hạn 5-10 năm, tuy nhiên doanh nghiệp nước ngoài này có thể thực hiện M&A với doanh nghiệp Việt Nam đã có sẵn tệp khách hàng, mạng lưới phân phối, giá trị thương hiệu,… điều này sẽ giúp doanh nghiệp nước ngoài đó đạt được quy mô như họ mong muốn trong thời gian ngắn hơn. 

10-Lợi ích về thuế: Việc M&A có thể mang lại lợi ích về thuế nếu doanh nghiệp bị mua lại/ sáp nhập đang hoạt động trong một ngành hay lĩnh vực có ưu đãi về thuế hoặc hoạt động ở một quốc gia có chế độ thuế thuận lợi. 

Rõ ràng, việc M&A mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, và khi việc xây dựng chiến lược M&A càng rõ ràng thì những giá trị mà hai bên doanh nghiệp đạt được sau quá trình M&A. Tuy nhiên, M&A cũng có những rủi ro và thách thức riêng. Quá trình tích hợp và quản lý sau M&A thường phức tạp và đòi hỏi một kế hoạch cũng như thực thi cẩn thận. Do đó, việc tiến hành M&A giữa hai doanh nghiệp nên được thực hiện sau khi đã có quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng lẫn nhau, đánh giá đúng mức độ rủi ro và tiềm năng lợi ích của mình.  

Đầu tư M&A từ Nhật Bản vào Việt Nam 

Nhật Bản đã lâu nay là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và duy trì mối quan hệ đối tác chặt chẽ với nước này. Số lượng giao dịch M&A giữa các công ty Nhật Bản vào Việt Nam liên tục tăng đều đặn trong 5 năm trở lại đây.  

Ngay cả trong thời điểm khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu do dịch bệnh, Nhật Bản vẫn tăng mạnh vốn đầu tư vào Việt Nam, trong khi vốn đầu tư từ các quốc gia khác vào Việt Nam có xu hướng giảm. Trong 10 tháng đầu năm 2020, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 21 giao dịch M&A và Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 khu vực Đông Nam Á về cả giá trị lẫn số thương vụ M&A từ công ty Nhật Bản trong năm 2020-2021 (Theo RECOF).  

Một số các thương vụ M&A lớn từ Nhật Bản và Việt Nam trong những năm gần đây như:  

– Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% giai đoạn II Dự án Grand Park của Vingroup với tổng vốn đầu tư khoảng 21.200 tỷ VND  

– Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông 

–  Công ty Sumitomo Life mua 22,09% cổ phần Bảo Việt 

– VPBank bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit (Công ty con của VPBank) cho Sumitomo Mitsui 

Tại sao các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng thích M&A? 

Mặc dù đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế, vậy nhưng thị trường M&A tại Nhật vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Lý do mà nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm các cơ hội M&A tại Việt Nam được đúc kết ở ba yếu tố chính sau, ngoài những lợi ích mà M&A mang lại như đã đề cập ở trên. 

1-Mở rộng thị trường và quy mô hoạt động: Nhật Bản có nhu cầu tìm một thị trường tiềm năng mới để mở rộng kinh doanh và tạo ra thêm doanh thu khi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của họ ở Nhật đều đã phát triển chạm trần. Thông qua việc sáp nhập hoặc mua lại các công ty khác, doanh nghiệp Nhật Bản có thể nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của mình tại thị trường nước ngoài và tăng cường khả năng cạnh tranh tại thị trường đó cũng như là tiền đề cho việc phát triển thêm các thị trường khác trong khu vực. 

2-Vốn lớn nhưng thiếu cơ hội phát triển dòng tiền: Thị trường Nhật phát triển với tốc độ chậm, dòng tiền tích lũy của Nhật Bản rất lớn nhưng lãi suất ngân hàng dao động ở mức 0%, điều này thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm các cơ hội để phát sinh thêm doanh thu từ lượng tiền tích lũy này thông qua M&A.  

3-Đối phó với sự già hóa dân số: Nhật Bản cũng đang đối mặt với vấn đề dân số già với độ tuổi dân số trung bình là 49,6 tuổi (hơn tuổi trung bình của Việt Nam gần 20 tuổi) khiến một bộ phận doanh nghiệp Nhật Bản không có thế hệ kế thừa cũng như nguồn lao động nhân lực trẻ trở nên thiếu hụt trầm trọng. Sự già hóa dân số và suy giảm lực lượng lao động có thể bù đắp thông qua M&A vì nó có thể giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường khả năng tuyển dụng và sử dụng tài nguyên lao động. 

Tương lai cho làn sóng M&A từ Nhật Bản vào Việt Nam 

Các lĩnh vực chủ yếu mà các công ty Nhật Bản quan tâm đầu tư tại Việt Nam bao gồm logistics, điện tử, máy móc, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, thực phẩm, kho lạnh và vận tải lạnh. Đặc biệt trong một số ngành thâm dụng nhiều công nghệ, các công ty Nhật Bản thường mang đến công nghệ tiên tiến và sự đổi mới đáng kể sau khi họ quyết định đầu tư. Điều này có thể góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.  

Cho đến nay, có một xu thế chưa rõ ràng nhưng đang bắt đầu định hình dần – xu thế dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc từ giữa năm 2020, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chọn Việt Nam làm điểm đến để xây dựng chiến lược mới và chuyển hướng đầu tư kinh doanh. Các yếu tố giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn không chỉ là sự ổn định chính trị, kinh tế, mà còn ở lực lượng lao động dồi dào, cùng với thị trường tiêu thụ lớn.  

Nhiều công ty Nhật Bản đã thực hiện nhiều dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam trong những năm vừa qua, bao gồm việc xây dựng nhà máy sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, và thành lập các liên doanh. Ngoài ra, những sự hỗ trợ thiết thực của Chính phủ Việt Nam về cơ chế, chính sách, hạ tầng, công nghệ,… trong việc thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản cũng là yếu tố thuận lợi để việc xúc tiến quá trình M&A giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản được thuận lợi và thành công.  

Báo cáo

Bạn cần ONE-VALUE hỗ trợ cho Thương vụ của mình? Hãy cho chúng tôi biết Nhu cầu của bạn!

Liên hệ ONE-VALUE

Hotline 24/7

 Phone: 024 7306 0779
Email: ma@onevalue.jp

ONE-VALUE INC. - Tư vấn chiến lược kinh doanh hàng đầu thị trường Việt Nam - Nhật Bản

Các bài viết liên quan